Giấy phép đăng ký kinh doanh là một loại giấy tờ pháp lý quan trọng đối với các chủ thể tiến hành đăng ký kinh doanh, chứng minh sự tồn tại và địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh đối với nền kinh tế. Vậy giấy phép đăng ký kinh doanh là gì? Thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh được quy định như thế nào?
Bài viết dưới đây là những kiến thức pháp luật cần biết về Giấy phép đăng ký kinh doanh, được Luật Gia Phát tổng hợp và hướng dẫn một cách chi tiết nhất!
Hiện nay, pháp luật không có quy định hay khái niệm cụ thể về giấy phép đăng ký kinh doanh tuy nhiên có thể hiểu, giấy phép kinh doanh là một loại giấy tờ pháp lý, có thể dưới dạng bản giấy hoặc bản điện tử, được cấp bởi cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền, ghi nhận các thông tin của chủ thể kinh doanh, giúp nhà nước quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh của các chủ thể này.
Giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp cho doanh nghiệp có tên gọi là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với hộ kinh doanh, loại giấy này có tên là giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là một thủ tục bắt buộc đối với các chủ thể nếu muốn tiến hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nhất định, các chủ thể sẽ không bắt buộc phải tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh. Cụ thể theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 39/2007 bao gồm những đối tượng sau:
“a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”
Thông thường, giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ bao gồm các nội dung chủ yếu như sau:
Mã số hộ kinh doanh/Mã số doanh nghiệp
Tên hộ kinh doanh/Tên công ty, doanh nghiệp
Địa điểm kinh doanh/Địa chỉ trụ sở chính
Vốn kinh doanh/Vốn điều lệ đối với công ty/Vốn đầu tư với doanh nghiệp tư nhân
Thông tin về nhân thân của chủ thể kinh doanh: đại diện hộ kinh doanh/thành viên góp vốn/thành viên hợp danh/chủ doanh nghiệp/người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì thông tin ghi tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính
Theo quy định tại điều 14, 15, 16 Nghị định 01/2021, thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thuộc về cơ quan đăng ký kinh doanh. Cụ thể:
Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký cấp huyện (phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Đối với hộ kinh doanh: hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh được quy định tại điều 78 Nghị định 01/2021, bao gồm các giấy tờ:
“a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
d) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.”
- Đối với doanh nghiệp: hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp được pháp luật quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các giấy tờ sau: (i) giấy đề nghị đăng ký kinh doanh; (ii) danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần); (iii) giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập; (iv) điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần)
- Chủ thể đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền. Ngoài hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, chủ thể có thể nộp qua mạng thông tin điện tử tại trang dịch vụ công quốc gia của cơ quan nhà nước.
- Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận về việc nộp hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Sau đó, phòng đăng ký kinh doanh cần nhập đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ kinh doanh, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
- Trong vòng 03 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh) hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp).
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hay từ chối đăng ký kinh doanh thì cơ quan đăng kinh doanh cần thông báo rõ bằng văn bản cho chủ thể đăng ký kinh doanh.
Trên đây là nội dung Công ty Luật Gia Phát gửi đến quý Khách hàng quy định về thủ tục xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.