Theo quy định pháp luật hiện hành, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có phạm vi hoạt động khá hẹp. Vì phạm vi hoạt động hạn chế nên nghĩa vụ thuế của một văn phòng đại diện nước ngoài hẹp hơn so với một công ty.
Cùng Luật Gia Phát tìm hiểu thông tin về nghĩa vụ thuế của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong nội dung bài viết dưới đây:
Theo Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định:
“Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.”
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam.
Điều 30 Nghị định 07/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định:
"Điều 30. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Văn phòng đại diện trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành."
Ngoài ra, văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời nào khác. Văn phòng đại diện không có quyền tự nhân danh mình ký kết hợp đồng riêng. Doanh nghiệp chịu tất cả các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của văn phòng đại diện nên việc hạch toán của văn phòng đại diện là phụ thuộc vào doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn thành lập một đơn vị để thực hiện hoạt động kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh.
Hiện nay tại Luật Phí và lệ phí năm 2015 và các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào định nghĩa hay giải thích lệ phí môn bài là gì. Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Thông tư 302/2016/TT-BTC thì lệ phí môn bài được hiểu như sau:
Lệ phí môn bài là khoản tiền phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu của năm (đối với hộ, cá nhân kinh doanh).
Theo quy định Nghị định 139/2016/NĐ-CP:
“Điều 2. Người nộp lệ phí môn bài
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.”
Như vậy, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài sẽ thuộc đối
tượng chịu thuế môn bài.
Theo hướng dẫn các công văn số 15865/BTC-CST ngày 07/11/2016, công văn số 1025/BTC-CST ngày 20/01/2017 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về lệ phí môn bài, theo đó đối với trường hợp Văn phòng đại diện của doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp Văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài theo quy định.
Việc văn phòng đại diện có quyền tuyển dụng người lao động Việt Nam hoặc nước ngoài để làm việc tại văn phòng là căn cứ phát sinh nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài là đối tượng phải đăng ký thuế thu nhập cá nhân. Với những người lao động làm việc tại văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Thì thu nhập chịu thuế chính là tiền lương, tiền công được theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nghĩa vụ kê khai, khấu trừ, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người lao động làm việc tại văn phòng đại diện nước ngoài là trách nhiệm của chính văn phòng đại diện đó.
Trên đây là quy định về nghĩa vụ thuế của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:
Hotline: 098.1214.789
Email: ceo@luatgiaphat.vn
Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn