Thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân

Mục lục bài viết

  1. 1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND
  2. 2. Người có quyền yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
  3. 3. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Trong đời sống hàng ngày, việc chấm dứt quan hệ vợ chồng diễn ra khá phổ biến theo nhiều cách thức khác nhau, đặc biệt là thông qua thủ tục ly hôn. Rất nhiều cặp vợ chồng chọn cách thức giải quyết thông qua thủ tục yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án thay vì thủ tục khởi kiện bởi phương thức này cực kì nhanh gọn. Tuy nhiên nhiều người khó khăn trong việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết do thủ tục yêu cầu công nhận ly hôn và thủ tục khởi kiện vụ án ly hôn khác nhau. Để giải đáp thắc mắc cho vấn đề này, mời quý vị theo dõi bài viết dưới đây do Luật Gia Phát tổng hợp.

1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND

  • Khái niệm

Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Ngoài ra, Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về thuận tình ly hôn như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Theo đó, thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề về quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, việc cấp dưỡng, về việc chia tài sản trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. 

Từ đó, có thể định nghĩa: Giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND là hoạt động của Tòa án thực hiện để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận việc đồng thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ và chồng

  • Đặc điểm của của giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND 

    Thứ nhất, thời gian giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn khá ngắn.

Đối với việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác (căn cứ khoản 1 Điều 366 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Trong khi đó, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án ly hôn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa không quá 02 tháng (căn cứ khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Như vậy, so với thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án ly hôn thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn ngắn hơn rất nhiều.

    Thứ hai, thành phần giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn ở cấp sơ thẩm không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân mà do Thẩm phán được phân công giải quyết đơn tiến hành.

    Thứ ba, đối với việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì Thẩm phán không phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ như trong vụ án ly hôn. Bởi bản chất của việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là không có tranh chấp, các tình tiết, sự kiện trong việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn đã được các bên thừa nhận và thống nhất ý chí ngay từ đầu, tức từ lúc viết đơn và nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết nên việc công khai tài liệu chứng cứ cho các bên là không cần thiết.

  • Ý nghĩa của giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND

Thứ nhất, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong TTDS. Hai bên vợ chồng có quyền yêu cầu ly hôn, thỏa thuận về các vấn đề khi ly hôn. Khi được yêu cầu, sau khi xem xét và thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, Toà án ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của các bên đương sự.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả giải quyết, xét xử của Toà án, giảm được áp lực về công việc cho Toà án. Khối lượng công việc của Toà án ngày càng có xu hướng tăng nên việc các bên đương sự có thể thỏa thuận để tiến đến thuận tình ly hôn sẽ giảm bớt được nhiều thủ tục, từ đó giảm được khối lượng công việc cho các Thẩm phán.

Thứ ba, tiết kiệm được tiền bạc, thời gian và công sức của đương sự. Việc vợ, chồng có thể cùng bàn bạc và đưa ra thỏa thuận để thoả mãn yêu cầu của cả hai bên sẽ giảm thiểu cả tiền bạc và thời gian của mỗi bên, ví dụ như chi phí đi lại, chi phí thuê luật sư, thời gian lấy lời khai, thời gian tham gia phiên toà…

2. Người có quyền yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

    Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Theo đó, vợ, chồng có thể đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn hoặc thống nhất nguyện vọng ly hôn và yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

    Đây là điểm khác biệt về chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn giữa việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và vụ án ly hôn. Trong việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn chỉ có thể là cá nhân và phải là vợ, chồng có sự thống nhất ý chí của vợ chồng thể hiện trong đơn yêu cầu. Còn đối với vụ án ly hôn hay việc dân sự, ngoài vợ, chồng thì chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn trong một số trường hợp luật định còn có thể là cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng hoặc cơ quan, tổ chức cũng có thể có quyền yêu cầu.

3. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết theo vụ việc

  Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trong đó khoản 2 đề cập đến: “Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. 

   Như vậy, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là loại việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra bản án hoặc quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Kết quả giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được thể hiện dưới hình thức là quyết định.

    Thứ hai, thẩm quyền giải quyết theo các cấp Tòa án

   Điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau: “Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này”.

   Và như đã phân tích ở trên, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (khoản 2 Điều 29) là loại việc dân sự yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

    Thứ ba, thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ

   Điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”.

   Như vậy, Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc của vợ, chồng hay của vợ hoặc của chồng.

    Kết luận, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ, chồng; vợ hoặc chồng cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp vợ, chồng có nơi cư trú khác nhau thì việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết hoàn toàn do sự thỏa thuận, lựa chọn của vợ, chồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành (2023). Công ty Luật Gia Phát luôn giải đáp kịp thời những khúc mắc, mang tới cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. 

Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ: 

Hotline: 098.1214.789 

Email: ceo@luatgiaphat.vn 

Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn

CÔNG TY LUẬT GIA PHÁT

Luật sư đầu tư nước ngoài:

098.1214.789

Luật sư Doanh Nghiệp:

0972.634.617

Luật sư sở hữu trí tuệ:

098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Luật sư tư vấn giấy phép:

098.1214.789

Luật sư giải quyết tranh chấp:

098.1214.789

Luật sư tư vấn hợp đồng:

0972.634.617

Email: luatgiaphat@gmail.com

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT