Câu hỏi của bạn Đỗ Trần Khởi tại Sơn Tây như sau: “Xin chào luật sư, 3 tháng trước em có vay lãi 27 triệu của một tổ chức tín dụng để tiêu dùng cá nhân và đã sử dụng hết. Sau khi được gia đình giúp đỡ em đã trả được nợ gốc khoản vay này, nhưng tiền lãi phát sinh em chưa trả, đến nay bên tổ chức kia đòi em phải trả nốt hơn 15 triệu tiền lãi. Vậy luật sư cho em hỏi, việc tổ chức tín dụng bắt em trả lãi như vậy có cao quá không? Và nếu em không trả tiền lãi kia có được không, vì giờ em mới được 17 tuổi, theo em biết thì 18 tuổi mới phải tự chịu trách nhiệm. Em xin cảm ơn.”
Trả lời Xin chào bạn! Vê câu hỏi của bạn, Luật Gia Phát xin trả lời như sau: Thứ nhất, về giao dịch dân sự của người chưa thành niên: Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Điều 125 Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý. Trong trường hợp này, bạn là người chưa thành niên, cha mẹ bạn được coi là người đại diện của bạn. Bạn có trình bày là được gia đình giúp đỡ nên đã trả được nợ gốc khoản vay, nên được hiểu là cha mẹ bạn đã biết và thừa nhận giao dịch này, do vậy, giao dịch không bị coi là vô hiệu. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”. Theo thông tin bạn cung cấp ở trên, hiện tại bạn đã 17 tuổi, tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm, nếu hành vi không trả nợ nêu trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Thứ hai, về mức lãi suất cho vay: Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, mức lãi suất khi cho vay được quy định như sau: 1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.” Theo câu hỏi của bạn thì bạn có vay lãi tại tổ chức đó, tuy nhiên bạn không nói rõ mức lãi suất hai bên thoả thuận. Như vậy, nếu có thoả thuận mức lãi suất, thì áp dụng theo mức thoả thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp không có thoả thuận về mức lãi suất, căn cứ quy định trên thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay. - Lãi suất giới hạn năm = 27.000.000 x 20% = 5.400.000 đồng. Lãi suất tháng là 450.000 đồng/ tháng. - Trường hợp không xác định rõ lãi suất, mức lãi suất tạm tính cho khoản vay của bạn tính đến thời điểm này = 50% x 450.000 đồng x 3 tháng = 675.000 đồng. Như vậy, việc tổ chức tín dụng kia yêu cầu bạn trả lãi ở mức 15.000.000 đồng cho 3 tháng chậm trả là không phù hợp quy định pháp luật. Tham khảo thêm: Tư vấn pháp luật về vay tiền hộ người khác; Trên đây là phần tư vấn sơ bộ của công ty Luật Gia Phát tư vấn về thắc mắc của bạn Để được tư vấn miễn phí và kịp thời vui lòng liên hệ Hotline: 098.1214.789 Hoặc luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn Luật Gia Phát – Sự lựa chọn tuyệt vời cho doanh nghiệp! |