Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, cung cấp thông tin về một cá nhân có án tích hay không, có bị cấm đảm nhiệm một số chức vụ, thành lập hay quản lý doanh nghiệp hay không. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có phiếu lý lịch tư pháp số 01 và phiếu lý lịch tư pháp số 02. Trong bài viết dưới đây, Luật Gia Phát xin hướng dẫn Quý Khách hàng thủ tục xin lý lịch tư pháp số 1 và 2.
Phiếu lý lịch tư pháp là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp do Sở Tư Pháp cấp, trong đó có nội dung chứng minh:
- Cá nhân có hay không có án tích, bản án hoặc quyết định xử phạt của Tòa án trong thời gian cư trú tại Việt Nam;
- Cá nhân có đang bị cấm hay không đảm nhiệm các chức vụ trong doanh nghiệp hoặc thành lập, quản lý doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Lý lịch tư pháp để làm gì?
Mục đích yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là để:
- Chứng minh cá nhân có từng phạm tội hay không
- Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hoà nhập cộng đồng.
- Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
- Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự
Các loại lý lịch tư pháp
Theo quy định tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp được chia thành 2 loại:
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1: được cấp cho cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài đã từng hoặc đang cư trú tại Việt Nam) hoặc cơ quan, tổ chức có yêu cầu nhằm phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, công ty. Phiếu này thường dùng trong trường hợp xin việc làm, xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, bổ sung hồ sơ xin việc.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng (như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) phục vụ công tác điều tra, xét xử hoặc cấp cho cá nhân để họ biết được nội dung lý lịch tư pháp của bản thân. Đặc biệt, phiếu sẽ cần trong hồ sơ định cư Mỹ, xin visa hôn phu/thê hoặc hồ sơ nhận con nuôi.
Sự khác nhau cơ bản của 2 loại phiếu lý lịch tư pháp này là:
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1: chỉ ghi những án tích chưa được xóa án, nên nếu cá nhân từng có án tích nhưng đã xóa án thì trên giấy sẽ không thể hiện án tích.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: thể hiện tất cả án tích dù đã được xóa hay chưa được xóa.
Ai có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp?
Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:
- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
- Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hiện tại có 2 cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp là: Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Vấn đề ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2
Phiếu lý lịch tư pháp số 1
- Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1.
- Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
- Trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2
- Cá nhân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 phải trực tiếp thực hiện thủ tục. Tức, không được ủy quyền cho người khác.
Hướng dẫn thủ tục làm lý lịch tư pháp
Bước 1: Hồ sơ cần chuẩn bị
- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản chụp giấy chứng nhận tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp (trong trường hợp đó là người nước ngoài);
- Văn bản ủy quyền và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền (trong trường hợp là cá nhân yêu cầu ủy quyền cho người khác, trừ trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền).
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở tư pháp Hà Nội hoặc Sở tư pháp Thành Phố Hồ Chí Minh
- Nộp trực tuyến qua mạng: Truy cập đường link https://lltptructuyen.moj.gov.vn/home
- Nộp qua đường bưu điện
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi nộp hồ sơ và biên lai thu tiền thì cá nhân, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 01 sẽ được cấp phiếu hẹn trả kết quả. Khi đó, căn cứ vào thời gian hẹn trả kết quả mà người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ đến nhận kết quả.
Theo quy định tại Điều 48 Luật lý lịch tư pháp 2009 thì thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là không quá 15 ngày.
Trên đây là nội dung Công ty Luật Gia Phát gửi đến quý khách hàng quy định về thủ tục xin phiếu lý lịch tư pháp hiện nay.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
LUẬT GIA PHÁT
Hotline: 098.1214.789
Email: ceo@luatgiaphat.vn Website: luatgiaphat.vn
Hỗ trợ trực tuyến 24/7.