Trong thời kỳ công nghệ số phát triển như hiện nay, việc người dân tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua các trang báo điện tử là rất phổ biến. Để quản lý việc hoạt động của các trang báo này, việc tuân thủ các yêu cầu và thực hiện các thủ tục pháp lý là rất quan trọng. Dưới đây, Luật Gia Phát sẽ trình bày những điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép thành lập báo chí điện tử để Quý Khách hàng có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Luật Báo chí 2016, sửa đổi bổ sung 2018
- Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT
- Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007
- Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Báo chí 2016, sửa đổi bổ sung 2018 quy định: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.”
- Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí 2016, sửa đổi bổ sung 2018 quy định: “Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.”
=> Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử. Liên quan đến báo điện tử sẽ có sản phẩm báo chí, trang chủ, chuyên trang của báo điện tử,… Trong đó:
- Sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử.
- Trang chủ là trang thông tin hiển thị đầu tiên của báo điện tử, có địa chỉ tên miền quy định tại giấy phép hoạt động báo điện tử.
- Chuyên trang của báo điện tử là trang thông tin về một chủ đề nhất định, phù hợp với tôn chỉ, Mục đích của báo điện tử, có tên miền cấp dưới của tên miền đã được quy định tại giấy phép hoạt động báo điện tử.
- Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
- Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Báo chí là cách thức để mọi người tiếp cận thông tin, nắm bắt tình hình xã hội trong nước và quốc tế. Do việc kiểm soát chất lượng, nội dung, tính xác thực của các bài báo điện tử còn nhiều hạn chế nên để được hoạt động trong lĩnh vực báo chí điện tử thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp phải xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, Mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối.
- Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí;
- Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử.
- Có trụ sở và các Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam
- Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Báo chí 2016, sửa đổi bổ sung 2018 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (đối với báo in, báo điện tử), là Tổng giám đốc hoặc giám đốc (đối với báo nói, báo hình)”.
- Căn cứ khoản 2 Điều 23 Luật Báo chí 2016, sửa đổi bổ sung 2018 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí gồm:
+ Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo không áp dụng tiêu chuẩn này;
+ Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này;
+ Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động”.
- Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí (Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập) quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm:
"Điều 6. Tiêu chuẩn bổ nhiệm
Bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ theo quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, đủ điều kiện theo Khoản 2, Điều 13 của Luật Báo chí; tốt nghiệp đại học; đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và chương trình quản lý nhà nước về báo chí; có trình độ lý luận chính trị cao cấp; có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí ít nhất là 3 năm; có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực quản lý và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, được sự tín nhiệm của cán bộ, phóng viên, đảng viên trong cơ quan báo chí.
Điều 7. Điều kiện bổ nhiệm
Có đầy đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm cán bộ theo quy định; lý lịch cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; tuổi bổ nhiệm lần đầu nói chung không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật đảng hoặc chính quyền với hình thức cách chức, trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn".
- Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử và các chuyên trang, phụ trương, đặc san.
- Theo đó, tại Điều 2 của Thông tư quy định về đối tượng áp dụng của Thông tư là các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí quy định tại Điều 14 Luật Báo chí có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 17 Luật Báo chí được đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương.
Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử: (Được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này)
- Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm có:
+ Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử (Mẫu số 07);
+ Đề án hoạt động tạp chí điện tử (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo, gồm các nội dung sau: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật Báo chí; kết cấu và nội dung chính của các chuyên trang, chuyên mục của tạp chí điện tử, các chuyên mục của chuyên trang, trong đó thể hiện rõ về nội dung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép; tên miền phù hợp với tên tạp chí điện tử; việc sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 06 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép; quy trình xuất bản và quản lý nội dung;
+ Danh sách dự kiến nhân sự của tạp chí điện tử;
+ Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập;
+ Mẫu trình bày giao diện trang chủ của tạp chí điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trang chủ của tạp chí điện tử phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí, trong đó tên gọi tạp chí điện tử thể hiện rõ cụm từ “tạp chí” hoặc “tạp chí điện tử” có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên tạp chí điện tử;
Mẫu trình bày giao diện trang chủ của chuyên trang có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trang chủ của chuyên trang phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí, trong đó: Tên gọi chuyên trang thể hiện rõ cụm từ “chuyên trang” có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang và tên gọi tạp chí điện tử có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang.
Trình tự thủ tục cấp phép hoạt động báo chí điện tử:
- Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu nêu trên, cơ quan tổ chức sẽ nộp hồ sơ tại về Bộ Thông tin và truyền thông. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động tạp chí điện tử (Mẫu số 18); trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Sau khi được cấp giấy phép hoạt động báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ra quyết định thành lập cơ quan báo chí và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Sau 03 tháng đối với báo in và báo điện tử, kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không được thành lập hoặc không có sản phẩm báo chí thì giấy phép hết hiệu lực. Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép.
Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:
Hotline: 098.1214.789
Email: ceo@luatgiaphat.vn
Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn