Việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu hiện nay khá phổ biển. Mỗi tổ chức, cá nhân có nhãn hiệu đều có nhu cầu được pháp luật bảo hộ để tránh sự xâm phạm của bên thứ ba đối với nhãn hiệu của mình. Đó cũng là một phương pháp để bảo vệ uy tín của mình trên thị trường hiện nay. Vậy khi đăng kí nhãn hiệu, cần lưu ý những dấu hiệu nào để đảm bảo rằng đơn đăng kí sẽ không bị cục sở hữu trí tuệ từ chối do nhãn hiệu mang các dấu hiệu gây nhầm lẫn. Sau đây Luật Gia Phát xin gửi đến các thông tin cần thiết sau đây:
1. Nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ
Dấu hiệu bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trong các trường hợp sau:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, của một vùng lãnh thổ (quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, tên nước, tên địa phương) hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, một vùng lãnh thổ gây nên sự lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu có nguồn gốc từ nước, vùng đó nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước, vùng khác.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá; dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh, nếu dấu hiệu yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Dấu hiệu là từ ngữ trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có tên thương mại nói trên sản xuất, thực hiện; dấu hiệu là hình ảnh trùng hoặc tương tự với biểu tượng thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có biểu tượng thương mại nói trên sản xuất, thực hiện
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi hoặc hình ảnh nhân vật, hình tượng đặc trưng của tác phẩm đã biết đến một cách rộng rãi, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện
- Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
2. Nhầm lẫn hoặc hiểu sai về bản chất, giá trị
Trong các trường hợp sau đây, những dấu hiệu được xem là nhầm lẫn hoặc hiểu sai về bản chất, giá trị của hàng hóa, dịch vụ cụ thể như sau:
- Dấu hiệu là từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu… gây nên ấn tượng sai lệch về tính năng, công dụng của hàng hoá, dịch vụ như dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hoặc với một dấu hiệu khác được sử dụng rộng rãi đến mức được coi là gắn liền với một chức năng, công dụng của một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu cũng có tính năng, công dụng đó
- Dấu hiệu là từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần, cấu tạo của hàng hoá, dịch vụ như mô tả hàng hoá, dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu gây nên ấn tượng sai lệch rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu được tạo thành từ hoặc có bản chất như hàng hoá, dịch vụ được mô tả.
Trên đây là tư vấn của Luật Gia Phát về các dấu hiệu được cho là gây nhầm lẫn khi đăng kí nhãn hiệu. Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn và đại diện Quý khách hàng thực hiện việc soạn thảo và làm việc với cơ quan nhà nước.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH Gia Phát
Hotline (24/7): 0981.214.789
Email: ceo@luatgiaphat
Website: luatgiaphat.vn/ luatgiaphat.com