Một số câu hỏi thường gặp khi thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Mục lục bài viết

  1. 1. Cơ sở pháp lý
  2. 2. Khái quát về tạm ngừng kinh doanh
  3. 3. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thủ tục tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Doanh nghiệp năm 2020.

- Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

- Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ

- Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp

- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/03/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

2. Khái quát về tạm ngừng kinh doanh

2.1. Tạm ngừng kinh doanh là gì

Theo Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

2.2. Hồ sơ thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh

- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (mẫu tham khảo tại Phụ lục số II-19 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

- Quyết định tạm ngừng kinh doanh (của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị công ty cổ phần…);

- Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;

- Thông báo tới cơ quan thuế để xác nhận các khoản nợ (nếu có) tính đến thời điểm tạm ngừng kinh doanh;

- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh (nếu có).

2.3. Trình tự, thủ tục thực hiện tạm ngừng kinh doanh

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Cá nhân, tổ chức: Soạn thảo các hồ sơ, tài liệu theo quy định (thông tin hồ sơ cụ thể mọi người xem ở mục dưới). Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh có 1 phần quan trọng là lý do tạm ngừng kinh doanh, thông thường các doanh nghiệp đều lấy lý do là khó khăn về tài chính và không thể tiếp tục hoạt động.

Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh tới Sở kế hoạch đầu tư

Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ tạm ngừng kinh doanh, cá nhân, tổ chức nộp trực tuyến tới Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố đăng ký trụ sở chính doanh nghiệp

Bước 3: Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tạm ngừng kinh doanh công ty

Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết và hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và cập nhật tình trạng hồ sơ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến để doanh nghiệp cập nhật được tình trạng hồ sơ

Bước 4: Nhận thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ (bản cứng) giấy tới Phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký

Lưu ý: Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty chỉ cần nộp tại Sở kế hoạch đầu tư và KHÔNG phải nộp tại cơ quan thuế đang quản lý thuế của doanh nghiệp. Vì khi tạm ngừng kinh doanh chỉ cần thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh, Phòng đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế.

Bước 5: Chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty

Sau khi nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng từ thời gian được ghi trên thông báo, mọi hoạt động kinh doanh sau ngày tạm dừng hoạt động đều phải dừng lại, doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc xin hoạt động sớm trở lại khi chưa hết thời hạn tạm ngừng.

* Thủ tục này không thu lệ phí

3. Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thủ tục tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp

3.1. Sau 01 năm tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục tạm ngừng thì có được không?

Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không quá một năm. Tuy nhiên, theo Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trước khi thời hạn tạm ngừng kết thúc, doanh nghiệp có thể gia hạn tạm ngừng, số lần gia hạn không hạn chế và mỗi lần gia hạn không được quá 01 năm. Như vậy, thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp có thể dài hơn 01 năm.

3.2. Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn trong thời gian tạm ngừng hoạt động không?

Theo điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không được xuất hóa đơn, tức doanh nghiệp không được phép bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

3.3. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Theo Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội và điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp tạm dừng kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế. Thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội là không quá 12 tháng.

Cần lưu ý rằng, hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại Điểm a Khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội.

 

3.4. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có phải thực hiện nghĩa vụ thuế không?

* Về thuế môn bài

Căn cứ điểm c, khoản 2 điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP:

“5. Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.”

Như vậy, nếu người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đó) thì không phải nộp thuế môn bài của năm đó. Trường hợp tạm ngừng không trọn năm dương lịch phải nộp thuế môn bài của cả năm trước ngày 31/01 của năm đó.

Ví dụ: Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trọn năm dương lịch 2023 (01/01/2023-31/12/2023) thì không phải đóng thuế môn bài của năm 2023. Trường hợp không tạm dừng trọn năm dương lịch 2023 thì doanh nghiệp phải đóng thuế môn bài vào trước ngày 31/01/2023.

* Về thuế Giá trị gia tăng, Thu nhập cá nhân, Thu nhập doanh nghiệp

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Do đó nếu hồ sơ khai thuế có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế GTGT, TNCN, TNDN, doanh nghiệp vẫn phải nộp đầy đủ, đúng hạn với thời hạn kê khai thuế.

* Về nợ thuế, nợ chậm nộp thuế

Theo khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện nộp đầy đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản còn nợ và hoàn thành việc thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác.

Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định.

3.5. Doanh nghiệp đang nợ thuế có được phép tạm ngừng hoạt động không?

Căn cứ khoản 3 Điều 206 Luật doanh nghiệp 2020:

“Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác”

Như vậy, pháp luật không cấm doanh nghiệp đang nợ thuế được tạm ngừng kinh doanh. Với điều kiện trong thời gian tạm dừng kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục hoàn thành việc thanh toán các khoản nợ này.

Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp nợ thuế thường sẽ không được phép tạm ngừng kinh doanh cho tới khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động hoàn thành các nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước trước khi tạm dừng kinh doanh.

3.6. Cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ tạm ngừng kinh doanh trong vòng bao lâu?

Sau khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xử lý hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc để đưa ra 01 trong 02 kết quả sau:

- Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ;

- Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ.

3.7. Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh doanh nghiệp có tự hoạt động trở lại được không?

Tạm ngừng kinh doanh là thủ tục hành chính có quy định thời điểm hết thời hạn tạm ngưng. Do đó, khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp không tiến hành thủ tục tạm ngừng kinh doanh tiếp, doanh nghiệp sẽ đương nhiên hoạt động trở lại mà không cần bất kỳ thủ tục hành chính nào.

3.8. Doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại trước khi hết thời hạn kinh doanh không?

Doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động trở lại sớm hơn thời gian tạm ngừng kinh doanh như trong thông báo tạm ngừng. Để có thể hoạt động trở lại trước thời hạn, doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện các công việc sau đây:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại sau thời gian tạm ngừng kinh doanh bao gồm:

- Biên bản họp (hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên), đối với từng loại doanh nghiệp cụ thể;

- Quyết định của hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên, (quyết định của chủ sở hữu);

- Thông báo khôi phục hoạt động của doanh nghiệp.

Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh

- Thời gian từ thứ Hai đến sáng thứ Bảy hàng tuần:

+ Sáng từ 7 giờ 30 phút  đến 11 giờ 30 phút

+ Chiều từ 13 giờ đến 17 giờ

- Lấy số thứ tự và chờ gọi theo số thứ tự.

Lưu ý: Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin quốc gia trước khi tiến hành nộp hồ sơ trực tiếp như nội dung trình bày ở trên

Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.

Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo cho phép doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại.

3.9. Có nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh trực tuyến được không?

Doanh nghiệp có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh hoàn toàn có thể nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng trên cơ sở cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp

* Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng:

- Người nộp hồ sơ kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

- Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

* Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh

- Người nộp hồ sơ sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) . Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh, văn bản ủy quyền phải có thông tin liên hệ của người ủy quyền để xác thực việc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

- Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

- Phòng đăng ký kinh doanh cấp đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

CÔNG TY LUẬT GIA PHÁT

Luật sư đầu tư nước ngoài:

098.1214.789

Luật sư Doanh Nghiệp:

0972.634.617

Luật sư sở hữu trí tuệ:

098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Luật sư tư vấn giấy phép:

098.1214.789

Luật sư giải quyết tranh chấp:

098.1214.789

Luật sư tư vấn hợp đồng:

0972.634.617

Email: luatgiaphat@gmail.com

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT