Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý chủ yếu của quan hệ kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Trong hoạt động thương mại cùng với việc pháp luật quy định các chế tài, các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện hợp đồng của thương nhân. “Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trên cơ sở tự do, tự nguyện và bình đẳng”. Tuy nhiên, một thỏa thuận được xác lập nhằm thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ được coi là hợp pháp khi chúng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về: thẩm quyền giao kết, mục đích, đối tượng giao kết; hình thức của sự thỏa thuận… Một thỏa thuận đáp ứng các điều kiện trên là một hợp đồng hợp pháp.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra một định nghĩa cụ thể về hợp đồng thương mại mà chỉ quy định về khái niệm chung về hợp đồng dân sự tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Mà tại Điều 1 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự quy đinh: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm”[1] ta có thể hiểu các quy định về hợp đồng dân sự được áp dụng cho hợp đồng nói chung, trong đó bao gồm cả hợp đồng trong lĩnh vực thương mại.
Như vậy, hợp đồng thương mại là một dạng cụ thể của hợp đồng dân sự. Tuy nhiên nó cũng có những đặc điểm riêng nhất định. Hiện nay, khái niệm hợp đồng thương mại là hoạt động thương mại được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005: “là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Như vậy, ta có thể hiểu một cách khái quát hợp đồng thương mại như sau: “Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau và với các bên có liên quan về việc xác lập, thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại”.
Chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là một loại hợp đồng phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại. Trong đó chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh. Các biện pháp tác động nêu ở bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật sẽ được áp dụng đối với tổ chức hay cá nhân vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật. Hay nói cách khác, chế tài là hậu quả pháp lý bất lợi đối với bên vi phạm pháp luật.
Tại khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật này.”. Như vậy, chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là hình thức chế tài áp đụng đối với các chủ thể không thực hiện hay thực hiện không đúng, không đầy đủ các cam kết theo hợp đồng thương mại. Theo đó bên có hành vi vi phạm sẽ phải gánh chịu một hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Theo từ điển Tiếng việt thì “miễn” được hiểu là “bỏ”, “từ bỏ”. Như vậy có thể hiểu miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại không bị áp dụng các hình thức chế tài.
Bản chất của các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là những trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm. Cơ sở để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng chính là ở chỗ họ không có lỗi khi không thực hiện, thực hiện không đúng hay không đầy đủ hợp đồng. Nếu bên vi phạm hợp đồng có khả năng lựa chọn một xử sự khác ngoài xử sự gây thiệt hại mà không lựa chọn thì bị coi là có lỗi và ngược lại, nếu không có khả năng lựa chọn xử sự nào khác thì được coi là không có lỗi và sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Như vậy các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại được quy định tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005:
“a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
Hơn nữa, để được áp dụng các căn cứ miễn trách nhiệm thì bên có hành vi vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ phải chứng minh mình không có lỗi. Nếu không chứng minh được, bên vi phạm coi như là có lỗi và phải chịu các chế tài do pháp luật quy định (Khoản 2 Điều 294 Luật thương mại 2005). Ngoài ra, khi có trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia biết về trường hợp được miễn trách nhiệm và hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
Trên đây là một số thông tin mà Luật Gia Phát cung cấp cho quý khách hàng. Với nhiều năm kinh nghiệm cùng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp Luật Gia Phát sẽ giải đáp mọi thắc mắc từ quý khách hàng nhanh nhất và chính xác nhất về các quy định về hóa đơn điện tử và những vấn đề pháp luật liên quan khác.
Hotline : 0981214789
Mail: ceo@luatgiaphat.vn