Thủ tục tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành 2023.

Mục lục bài viết

  1. 1. Các trường hợp tuyên bố một người là đã chết 
  2. 2. Các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố
  3. 3. Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết
  4. 4. Thẩm quyền giải quyết
  5. 5. Thủ tục giải quyết 

Thủ tục tuyên bố một người là đã chết được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến vấn đề nhân thân và tài sản của người mất tích hoặc biệt tích trong thời gian dài. Vấn đề tài sản và nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết trên thực tế. Vậy thủ tục tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành được thực hiện ra sao?, mời quý vị theo dõi bài viết dưới đây do Luật Gia Phát tổng hợp.

1. Các trường hợp tuyên bố một người là đã chết 

Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 thì Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong 04 trường hợp sau đây:

- Người này đã bị Tòa án tuyên bố mất tích (quyết định đã có hiệu lực pháp luật) nhưng sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; 

- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; 

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 

- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này. Cụ thể: 

  • Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; 

  • Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Như vậy, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong 04 trường hợp trên.

2. Các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố

Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Quyền yêu cầu tuyên bố một người là đã chết  như sau: “Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết …” Có thể kể đến một số chủ thể được được coi là người có quyền, lợi ích liên quan như sau: 

- Người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng với người bị tuyên bố là đã chết: Bố, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi... 

- Người có quan hệ thừa kế với người bị tuyên bố là đã chết: người thừa kế hay người cùng hàng thừa kế của người này (anh, chị, em ruột …)

3. Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Theo khoản 2 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ nộp để yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết gồm:

- Đơn yêu cầu (theo mẫu). 

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người này đã chết theo các trường hợp nêu trên: Bị biệt tích, đã bị tuyên bố mất tích trước đó, gặp thảm hoạ, thiên tai... 

- Giấy tờ nhân thân chứng minh người nộp đơn là người có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng, các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết (bản sao).

4. Thẩm quyền giải quyết

Khoản 4 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm: “Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.”

Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây: “Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này”.

Đồng thời, điểm b khoản Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: “Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết”.

- Kết luận: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị tuyên bố là đã chết cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết.

- Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người nộp đơn cư trú, làm việc có thẩm giải quyết nếu người này có yêu cầu, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Đối với các yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này thì người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu giải quyết”. 

5. Thủ tục giải quyết 

Giai đoạn 1: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết (Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Căn cứ Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.

Nội dung thông báo, việc công bố thông báo và thời hạn thông báo được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 388 của Bộ luật này. Cụ thể: Thông báo phải có các nội dung chính sau đây: 

- Ngày, tháng, năm ra thông báo. 

- Tên Tòa án ra thông báo. 

- Số và ngày, tháng, năm của quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. 

- Tên, địa chỉ của người yêu cầu Tòa án thông báo. 

- Họ, tên và ngày, tháng, năm sinh hoặc tuổi của người cần tìm kiếm và địa chỉ cư trú của người đó trước khi biệt tích. 

- Địa chỉ liên hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu người cần tìm kiếm biết được thông báo hoặc người khác có được tin tức về người cần tìm kiếm. 

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo do người yêu cầu chịu.

Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Giai đoạn 2: Quyết định tuyên bố một người là đã chết (Điều 393 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

Trên đây là nội dung về thủ tục tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành 2023. Công ty Luật Gia Phát luôn giải đáp kịp thời những khúc mắc và mang tới cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.

Để được tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:

Hotline: 098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Website: luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn

CÔNG TY LUẬT GIA PHÁT

Luật sư đầu tư nước ngoài:

098.1214.789

Luật sư Doanh Nghiệp:

0972.634.617

Luật sư sở hữu trí tuệ:

098.1214.789

Email: ceo@luatgiaphat.vn

Luật sư tư vấn giấy phép:

098.1214.789

Luật sư giải quyết tranh chấp:

098.1214.789

Luật sư tư vấn hợp đồng:

0972.634.617

Email: luatgiaphat@gmail.com

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT