Câu hỏi của anh Nguyễn Anh Vũ ở Hà Nam như sau: “Tôi là sinh viên mới ra trường và vừa bắt đầu đi làm. Hiện tôi đang thử việc với vị trí nhân viên hành chính nhân sự tại một công ty tư nhân với Hợp đồng thử việc kéo dài 3 tháng, mức lương thử việc tháng đầu là 2,5 triệu, các tháng thứ 2 và 3 là 3,5 triệu (lương chính thức là 5 triệu). Trong thời gian đầu tôi được gửi đi đào tạo trong vòng một tháng. Trước khi đi đào tạo, công ty yêu cầu tôi ký vào một bản cam kết phải làm việc cho công ty ít nhất 02 năm sau khi đào tạo nếu không sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo là 12 triệu, đồng thời buộc tôi phải nộp bằng tốt nghiệp đại học gốc để công ty giữ. Vậy tôi xin hỏi Luật sư, trường hợp công ty yêu cầu thử việc và ký cam kết như vậy là đúng hay sai? Tôi xin chân thành cảm ơn.”
Trả lời: Xin chào anh! Luật Gia Phát xin trả lời câu hỏi của anh như sau: Thứ nhất, về thời gian thử việc: Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau: “Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây: 1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; 2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. 3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.” Với vị trí công việc như của anh, thời gian thử việc tối đa theo quy định của pháp luật là 60 ngày. Do vậy việc công ty anh yêu cầu thời gian thử việc 03 tháng là trái với quy định tại Bộ luật lao động. Thứ hai, về mức lương thử việc: Điều 28 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoải thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó”. Với mức lương chính thức của anh là 5 triệu đồng, mức lương thử việc theo quy định phải ít nhất bằng 85% x 5 triệu = 4,25 triệu đồng. Như vậy, công ty trả lương thử việc cho anh trong tháng đầu tiên ở mức 2,5 triệu và 02 tháng tiếp theo 3,5 triệu là ít hơn so với mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, về cam kết trước khi đào tạo Điều 62 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động” Do vậy, việc công ty yêu cầu anh ký kết hợp đồng đào tạo nghề là không trái với quy định của pháp luật. Nội dung đào tạo nghề do hai bên thỏa thuận và có thể bao gồm điều khoản cam kết về thời gian làm việc sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Thứ năm, về việc công ty yêu cầu giữ bằng đại học gốc: Điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động không được làm những hành vi sau khi giao kết hợp đồng: “1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. 2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.” Như vậy, việc công ty giữ bằng đại học gốc của anh là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Anh nên có ý kiến với Công ty để yêu cầu Công ty thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi giao kết hợp đồng thử việc cũng như hợp đồng chính thức. Tham khảo thêm: Vai trò của công đoàn trong tái cấu trúc doanh nghiệp Có được thuê người lao động dưới 18 tuổi vào làm việc không? Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ của công ty Luật Gia Phát về vấn đề Quy định về thời gian thử việc của người lao động Để được tư vấn miễn phí và kịp thời vui lòng liên hệ Hotline: 098.1214.789 Hoặc luatgiaphat.com/luatgiaphat.vn Luật Gia Phát – Sự lựa chọn tuyệt vời cho doanh nghiệp! |